"Đây là bệnh nhân đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được phẫu thuật ung thư vú và tái tạo ngực không cần dùng thuốc giảm đau sau mổ nhờ gây tê ESP", ThS.BS.CKII Hồ Thị Xuân Nga, khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói hôm 17/12. Kỹ thuật này đã được bệnh viện ứng dụng phẫu thuật tim hở, lõm ngực, cột sống, cắt đại tràng, dạ dày ung thư...
ESP là kỹ thuật đưa thuốc tê không chứa morphin thông qua ống thông catheter. Bơm tiêm tự động vào khoang mặt phẳng cơ dựng sống người bệnh dưới hướng dẫn của máy siêu âm độ phân giải cao, nhiều đầu dò. Nhóm cơ này chạy dọc song song với cột sống, nơi có nhiều dây thần kinh xuất phát từ tủy sống đi ra chi phối các vùng cảm giác - vận động tương ứng, các hạch giao cảm cạnh sống. Thuốc tác động lên các rễ thần kinh và hạch giao cảm, giúp ức chế dẫn truyền thần kinh cảm giác đau, giảm đau tối đa.
Kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống đảm bảo chính xác từng lượng thuốc đưa vào cơ thể người bệnh thông qua catheter và bơm tiêm tự động. Bác sĩ không tiêm trực tiếp vào trục thần kinh như gây tê ngoài màng cứng hay tê tủy sống nên không gây tổn hại, giảm nguy cơ chảy máu, tụ máu, chèn ép tủy ở người bệnh đang sử dụng thuốc kháng đông.
Thuốc tê thấm dần vào thân các rễ thần kinh và các hạch giao cảm cạnh sống, ức chế tín hiệu đau trước khi nó được dẫn truyền về hệ thần kinh trung ương. Các loại thuốc tê được sử dụng không chứa morphin hoặc dẫn xuất của chất này.
Chị Thảo từng sinh mổ con và phẫu thuật bướu sợi tuyến năm 2008, 2019, bị đau mạn tính ở lưng và vết mổ cũ. Khi nhận chẩn đoán mắc ung thư vú tháng 4 năm nay, chị từ chối vì sợ phẫu thuật khiến cơn đau trầm trọng hơn.
Đầu tháng 12, chị đến Khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ để được tư vấn điều trị. Khi này bác sĩ khuyên chị điều trị để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh ở giai đoạn sớm, chỉ định phẫu thuật ung thư vú và tái tạo hai bên ngực.
Theo bác sĩ Nga, chị Thảo bị chứng đau mạn tính, để khắc phục cơn đau lần này và tránh biến chứng đau mạn tính sau mổ, bác sĩ sử dụng kỹ thuật ESP gây tê cho người bệnh.
Bác sĩ Nga (áo xanh da trời) gây tê mặt phẳng cơ dựng sống ESP cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Nga xác định vùng chi phối đau tương ứng với đoạn thần kinh tủy sống đoạn ngực. Dưới hướng dẫn của máy siêu âm thần kinh - mạch máu nhiều đầu dò, bác sĩ luồn catheter (ống thông) đưa thuốc tê không chứa morphin vào khoang mặt phẳng cơ dựng sống.
Êkíp Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ rạch da gần nách, tìm và bóc tách hạch gác cửa, gửi giải phẫu bệnh, sau đó cắt hai tuyến vú, giữ lại quầng nhũ hoa và nhũ hoa phải. Kết quả giải phẫu bệnh ghi nhận hạch gác cửa không có tế bào ung thư nên người bệnh không phải nạo hạch nách, hạn chế nguy cơ yếu tay, phù tay. Người bệnh được đặt túi ngực, hoàn thành cuộc mổ.
Theo bác sĩ Nga, mức độ xâm lấn của phẫu thuật rộng và sâu vào các cơ nhưng mức độ đau sau rút ống nội khí quản, vận động, rút ống dẫn lưu đều ở mức nhẹ (từ 0 đến 1,2 điểm theo VAS - thang điểm dùng để xác định cường độ đau).
Sau mổ, chị Thảo ăn uống bình thường, không buồn nôn, chóng mặt, ngủ sâu giấc. Chị nằm viện hai ngày, đi lại và nằm ngồi bình thường hết đau lưng. Chị không cần dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào từ sau cuộc mổ. Bác sĩ Nga cho biết trước đây, người bệnh được gây tê thông thường bằng truyền thuốc giảm đau có morphin, cần dùng thuốc giảm đau sau mổ và thêm một tuần sau khi xuất viện. Hậu phẫu, người bệnh dễ bị ảo giác, suy hô hấp, nôn ói, tăng đau, đau mạn tính, buồn nôn.
Nguyễn Trăm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp